Lịch sử hoạt động König_(lớp_thiết_giáp_hạm)

Bắn phá Scarborough, Hartlepool và Whitby

Hoạt động lớn đầu tiên trong chiến tranh mà những chiếc thuộc lớp König tham gia là cuộc bắn phá Scarborough, Hartlepool và Whitby vào ngày 15-16 tháng 12 năm 1914. Nó được tiến hành chủ yếu bởi các tàu chiến-tuần dương thuộc Đội Tuần tiễu 1 dưới quyền Đô đốc Franz von Hipper, được những chiếc trong lớp König phối hợp cùng các lớp Nassau, HelgolandKaiser di chuyển hỗ trợ từ xa. Đô đốc Friedrich von Ingenohl, Tư lệnh Hạm đội Biển khơi Đức, quyết định chiếm lấy vị trí ở khoảng giữa Bắc Hải, cách 130 nmi (240 km) về phía Đông Scarborough.[15]

Hải quân Hoàng gia Anh, trước đó đã bắt được các bảng mật mã Đức từ chiếc tàu tuần dương Magdeburg bị mắc cạn, nhận biết một chiến dịch đang được tiến hành, nhưng không biết chắc nơi lực lượng Đức sẽ tấn công. Vì vậy, Bộ hải quân Anh ra lệnh cho Hải đội Tàu chiến-tuần dương 1 dưới quyền Đô đốc David Beatty, sáu thiết giáp hạm thuộc Hải đội Chiến trận 2 cùng nhiều tàu tuần dương và tàu khu trục ngăn chặn các tàu chiến-tuần dương Đức.[15] Tuy nhiên, hướng di chuyển lực lượng của Beatty hầu như đâm đầu thẳng vào toàn bộ Hạm đội Biển khơi. Lúc 6 giờ 20 phút, các tàu khu trục hộ tống cho lực lượng của Beatty bắt gặp xuồng phóng lôi Đức V155. Việc này đã dẫn đến một cuộc đối đầu lẫn lộn kéo dài hai giờ giữa các tàu khu trục Anh và lực lượng tàu tuần dương và tàu khu trục Đức, hầu hết ở khoảng cách rất gần. Vào lúc này của cuộc chạn trán đầu tiên, các thiết giáp hạm lớp König ở một vị trí cách các thiết giáp hạm dreadnought Anh không đầy 10 hải lý (19 km), hoàn toàn nằm trong tầm bắn; nhưng trong bóng đêm, các đô đốc của cả Anh lẫn Đức đều không thể nhận biết thành phần của hạm đội đối phương. Đô đốc Ingenohl, không dám bất tuân chỉ thị của Kaiser (Hoàng đế Đức) rằng không được mạo hiểm hạm đội chiến trận khi không có sự chấp thuận rõ ràng, kết luận rằng hạm đội của ông đang phải đối đầu với lực lượng hộ tống của toàn bộ Hạm đội Grand Anh Quốc, và 10 phút sau khi bắt gặp đối phương, ông ra lệnh bẻ lái sang mạn phải theo hướng Đông Nam. Các cuộc tấn công tiếp nối đã làm chậm trễ việc đổi hướng, nhưng đến 6 giờ 42 phút, nó được tiến hành.[16] Trong khoảng 40 phút, hai hạm đội di chuyển theo một hướng song song; và đến 7 giờ 20 phút, Ingenohl ra lệnh bẻ lái hơn nữa sang mạn phải, đưa các con tàu của mình theo một hành trình quay về vùng biển Đức.[17]

Bắn phá Yarmouth và Lowestoft

Xem thêm thông tin: Bắn phá Yarmouth và Lowestoft

Những chiếc trong lớp Königđã tham gia một cuộc bắn phá khác xuống bờ biển Anh Quốc, một lần nữa hỗ trợ cho các tàu chiến-tuần dương của Đội Tuần tiễu 1. Các tàu chiến-tuần dương khởi hành từ Jade Estuary lúc 10 giờ 55 phút ngày 24 tháng 4 năm 1916, và phần còn lại của Hạm đội Biển khơi lên đường tiếp theo lúc 13 giờ 40 phút. Tàu chiến-tuần dương Seydlitz trúng phải một quả thủy lôi trên đường đi đến mục tiêu, nên bị buộc phải rút lui.[18] Các tàu chiến-tuần dương khác tiến hành bắn phá Lowestoft mà hầu như không gặp sự kháng cự, nhưng trên đường đi đến Yarmouth, chúng đụng độ với các tàu tuần dương Anh thuộc Lực lượng Harwich. Một cuộc đấu pháo ngắn ngủi diễn ra trước khi Lực lượng Harwich rút lui. Các báo cáo về hoạt động của tàu ngầm Anh tại khu vực đã buộc Đội Tuần tiễu 1 phải rút lui. Vào lúc này, Đô đốc Reinhard Scheer nhận được cảnh báo về việc Hạm đội Grand đã khởi hành từ căn cứ của chúng ở Scapa Flow, ông ra lệnh rút lui về vùng biển Đức an toàn hơn.[19]

Trận Jutland

Xem thêm thông tin: Trận Jutland

Bốn chiếc trong lớp đã tham gia cuộc xuất quân của hạm đội vốn đã đưa đến trận Jutland vào ngày 31 tháng 5-1 tháng 6 năm 1916. Hoạt động này là một nỗ lực lặp lại các kế hoạch trước đây dự định thu hút một phần Hạm đội Grand để tiêu diệt chúng. König, Grosser Kurfürst, Markgraf cùng với Kronprinz hình thành nên Đội 5 trực thuộc Hải đội Chiến trận 3, là đơn vị đi tiên phong của hạm đội. Ngay phía sau chúng l̀à những chiếc lớp Kaiser thuộc Đội 6 của Hải đội Chiến trận 3, rồi tiếp theo là những chiếc lớp HelgolandNassau thuộc Hải đội Chiến trận 2, và sau cùng là các thiết giáp hạm tiền-dreadnought lớp Deutschland già cỗi thuộc Hải đội Chiến trận 1.[6]

Không lâu trước 16 giờ 00 giờ Trung Âu,[Ghi chú 4] các tàu chiến-tuần dương thuộc Đội Tuần tiễu 1 đối đầu với Hải đội Tuần chiến-Tuần dương 1 Anh Quốc dưới quyền chỉ huy của Đô đốc David Beatty. Các lực lượng đối địch bắt đầu một cuộc đấu pháo, vốn đã đưa đến việc phá hủy chiếc HMS Indefatigable không lâu sau 17 giờ 00,[20] rồi đến lượt HMS Queen Mary không đầy nữa giờ sau đó.[21] Vào lúc này, các tàu chiến-tuần dương Đức di chuyển về phía Nam nhằm thu hút các tàu chiến Anh về phía lực lượng chủ lực của Hạm đội Biển khơi. Đến 17 giờ 30, thiết giáp hạm Đức dẫn đầu König nhìn thấy cả Đội Tuần tiễu 1 của Đức bên mạn phải và Hải đội Tàu chiến-tuần dương 1 của Anh bên mạn trái. Đến 17 giờ 45 phút, Scheer ra lệnh bẻ lái 2 point (22,5°) sang mạn trái để đưa các con tàu của ông đến gần hơn các tàu chiến-tuần dương Anh. Lệnh khai hỏa được đưa ra chỉ một phút sau đó.[22]

Thiết giáp hạm König trên đường đi

König, Grosser Kurfürst và Markgraf là những chiếc đầu tiên đến được tầm bắn hiệu quả, chúng đã tuần tự đối đầu với các tàu chiến-tuần dương Lion, Princess RoyalTiger tương ứng ở khoảng cách 21.000 yd (19.000 m).[23] Loạt đạn pháo đầu tiên của König đã không với tới mục tiêu, nên nó chuyển hỏa lực sang chiếc tàu chiến Anh ở gần nhất là Tiger. Cùng một lúc, các chiếc dẫn đầu thuộc lớp König đã nổ súng vào các tàu khu trục NestorNicator.[24] Hai con tàu Anh đã tiếp cận hàng chiến trận Đức, và mặc dù chịu đựng một màn hỏa lực dày đặc, vẫn cơ động vào vị trí tấn công thuận tiện. Mỗi chiếc đã phóng hai ngư lôi nhắm vào König và Grosser Kurfürst, mặc dù tất cả đều bị trượt. Đáp trả lại, một quả đạn pháo hạng hai từ một trong các thiết giáp hạm đã đánh trúng Nestor làm hỏng phòng động cơ. Nó cùng với tàu khu trục Nomad bị đánh hỏng nằm chắn ngay hướng tiến của hàng chiến trận Đức. Cả hai chiếc tàu khu trục đều bị đánh chìm, và các tàu phóng lôi Đức đã dừng lại để vớt những người sống sót.[25] Vào khoảng 18 giờ 00, bốn chiếc lớp König chuyển hỏa lực của chúng sang những thiết giáp hạm lớp Queen Elizabeth thuộc Hải đội Chiến trận 5 đang đến gần, cho dù cuộc đối đầu chỉ kéo dài trong một chốc do khoảng cách giữa hai bên đã mở rộng trở nên quá xa.[26]

Vào khoảng 19 giờ 00, tàu tuần dương Wiesbaden, trước đó đã bị đối phương đánh bất động, bắt đầu chịu đựng hỏa lực từ lực lượng tuần dương nhẹ của Anh; vì vậy Scheer ra lệnh cho các con tàu của ông đổi hướng để hỗ trợ hầu có thể kéo con tàu.[27] Một cách đồng loạt, các hải đội tuần dương nhẹ 3 và 4 của Anh bắt đầu một đợt tấn công bằng ngư lôi vào hàng chiến trận Đức; trong khi tiến đến đủ khoảng cách để phóng ngư lôi, chúng tấn công Wiesbaden bằng hỏa lực của dàn pháo chính. Những chiếc lớp König đã nhắm vào các tàu tuần dương Anh, nhưng việc chịu đựng hỏa lực pháo hạng nặng của thiết giáp hạm đối phương không đủ để đánh đuổi các tàu tuần dương Anh.[28] Trong cuộc chiến hỗn loạn diễn ra sau đó, tàu tuần dương bọc thép Defence bị bắn trúng nhiều phát đạn pháo hạng nặng từ những chiếc dreadnought Đức. Một loạt đạn pháo đã xuyên thủng hầm đạn của con tàu, và một vụ nổ dữ dội sau đó đã phá hủy nó hoàn toàn.[29]

Vào lúc Hạm đội Đức quay trở về vũng biển Jade, các thiết giáp hạm Nassau, WestfalenPosen thuộc lớp Nassau cùng các chiếc HelgolandThüringen thuộc lớp Helgoland chiếm lấy các vị trí canh phòng bên ngoài vũng biển; trong khi các thiết giáp hạm Kaiser, KaiserinPrinzregent Luitpold thuộc lớp Kaiser đảm trách các vị trí phòng ngư bên ngoài các lối ra vào Wilhelmshaven. Bốn chiếc lớp König cùng các tàu chiến chủ lực khác còn trong tình trạng chiến đấu được tiếp đạn và tiếp nhiên liệu bên trong cảng.[30]

Các hoạt động tiếp theo

Trong đợt xuất quân của hạm đội vào ngày 18-19 tháng 8, Đội Tuần tiễu 1 được giao nhiệm vụ bắn phá thị trấn ven biển Sunderland nhằm lôi kéo và tiêu diệt các tàu chiến-tuần dương của Beatty. Do chỉ có MoltkeVon der Tann là hai tàu chiến-tuần dương Đức còn hoạt động được trong đội, ba thiết giáp hạm dreadnought được bổ sung cho đơn vị này trong chiến dịch: Markgraf, Grosser Kurfürst và chiếc thiết giáp hạm mới được đưa vào hoạt động Bayern. Đô đốc Scheer cùng phần còn lại của Hạm đội Biển khơi, bao gồm 15 chiếc dreadnought, sẽ theo sau bảo vệ.[31] Phía Anh đã biết được kế hoạch của Đức và đã cho toàn bộ Hạm đội Grand xuất trận để đối đầu. Đến 14 giờ 35 phút, Scheer được cảnh báo về sự xuất hiện của Hạm đội Grand, và vì không muốn đối đầu với toàn bộ Hạm đội Grand chỉ mười một tuần sau khi trận Jutland kết thúc, nên đã quay mũi lực lượng của mình rút lui trở về các cảng Đức.[32]

Chiến dịch Albion

Xem thêm thông tin: Chiến dịch Albion

Vào đầu tháng 9 năm 1917, sau khi Đức chiếm được cảng Riga của Nga, Hải quân Đức quyết định xóa sổ lực lượng Hải quân Nga vốn còn đang trụ lại vịnh Riga. Nhằm mục đích này, Bộ Tổng Tư lệnh Hải quân (Admiralstab) vạch ra một chiến dịch tại quần đảo Moonsund, đặc biệt nhắm vào các khẩu đội pháo Nga trên bán đảo Sworbe thuộc Ösel.[33] Ngày 18 tháng 9, mệnh lệnh được đưa ra cho một chiến dịch phối hợp Lục-Hải quân nhằm chiếm các đảo Ösel và Moon; lực lượng hải quân chủ yếu bao gồm soái hạm Moltke cùng với Hải đội Chiến trận 3 của Hạm đội Biển khơi, gồm có Đội 5 bao gồm bốn chiếc lớp König, vào lúc này được bổ sung thêm chiếc thiết giáp hạm mới Bayern, và Đội 6 bao gồm năm chiếc lớp Kaiser. Cùng với chín tàu tuần dương hạng nhẹ, ba chi hạm đội tàu phóng ngư lôi cùng nhiều tàu rải mìntàu quét mìn, toàn bộ lực lượng bao gồm khoảng 300 tàu chiến, được sự hỗ trợ của trên 100 máy bay và sáu khí cầu zeppelin. Lực lượng tấn công gồm khoảng 24.600 sĩ quan và binh sĩ.[34] Đối đầu với lực lượng Đức là các thiết giáp hạm tiền-dreadnought cũ của Nga SlavaTsarevitch, các tàu tuần dương bọc thép Bayan, Admiral Makarov và Diana, 26 tàu khu trục, nhiều tàu phóng lôi và pháo hạm, cùng một lực lượng đồn trú tại Ösel với khoảng 14.000 người cùng các khẩu đội pháo phòng thủ duyên hải.[35]

Chiến dịch bắt đầu vào ngày 12 tháng 10, khi Moltke, Bayern và các chiếc lớp König cũng bắt đầu bắn phá các khẩu đội Nga trong vịnh Tagga. Cùng lúc đó, những chiếc trong lớp thiết giáp hạm Kaiser đối đầu với các khẩu đội pháo phòng thủ duyên hải tại bán đảo Sworbe; mục đích là nhằm đảm bảo eo biển giữa Moon và quần đảo Dagö, vốn sẽ ngăn chặn con đường rút lui duy nhất của các tàu chiến Nga trong vịnh. Cả Grosser Kurfürst lẫn Bayern đều bị trúng mìn trong lúc cơ động vào vị trí bắn phá; Grosser Kurfürst chỉ bị hư hại nhẹ, nhưng Bayern bị hư hại nặng đến mức phải rút lui về Kiel để sửa chữa.[35]

Đến ngày 16 tháng 10, một phần hải đội tấn công được cho tách ra để quét sạch lực lượng hải quân Nga tại eo biển Moon, bao gồm hai thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Nhằm mục đích này, König và Kronprinz cùng các tàu tuần dương StrassburgKolberg và một số tàu nhỏ được gửi đi đối phó với các thiết giáp hạm Nga. Chúng đến nơi vào sáng ngày 17 tháng 10, nhưng một bãi mìn rộng của Nga đã giữ chân các con tàu phía ngoài vịnh. Một điều bất ngờ xảy ra đối với phía Đức, khi họ nhận ra các khẩu pháo 30,5 cm từ các thiết giáp hạm Nga có tầm bắn xa hơn những khẩu 30,5 cm của chính họ; và người Nga tìm cách giữ khoảng cách đủ rộng để các tàu chiến Đức không thể bắn trả, trong khi vẫn nả pháo hiệu quả vào các đối thủ Đức. Nhiều lúc các con tàu Đức phải thực hiện cơ động lẩn tránh các loạt đạn pháo của Nga. Tuy nhiên, đến 10 giờ 00, các tàu quét mìn đã dọn sạch một lối đi ngang qua bãi mìn, và König cùng Kronprinz tiến vào vịnh. Hai chiếc dreadnought đã đối đầu với các tàu chiến Nga, König đấu pháo tay đôi với Slava trong khi Kronprinz nổ súng vào cả Slava lẫn tàu tuần dương Bayan. Các tàu chiến Nga bị bắn trúng nhiều lần, cho đến 10 giờ 30 phút, Đô đốc Mikhail Bakhirev tư lệnh lực lượng hải quân Nga ra lệnh cho chúng rút lui. Slava chịu đựng nhiều hư hại đến mức nó không thể di chuyển; nó bị đánh đắm và thủy thủ đoàn của nó triệt thoái trên một tàu khu trục.[36]

Đến ngày 20 tháng 10, chiến dịch hải quân xem như hoàn tất; các tàu chiến Nga đã bị tiêu diệt hoặc buộc phải rút lui, và phía Đức đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vào ngày 29 tháng 10, Markgraf trúng phải một quả mìn khi lực lượng Đức rút lui khỏi vịnh Riga.[37]

Số phận

Vị trí các con tàu Đức tại Scapa Flow khi bị đánh đắm

Sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến vào tháng 11 năm 1918, phần lớn Hạm đội Biển khơi dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Ludwig von Reuter bị lưu giữ tại căn cứ hải quân của Anh ở Scapa Flow trong suốt thời gian diễn ra cuộc đàm phán mà cuối cùng đã đưa đến Hiệp ước Versailles.[38] Reuter tin rằng người Anh sẽ chiếm các con tàu Đức vào ngày 21 tháng 6, vốn là thời hạn mà Đức phải ký hiệp ước hòa bình. Không biết rằng thời hạn trên đã được lùi lại đến ngày 23 tháng 6, Reuter quyết định trong cơ hội sớm nhất sẽ đánh đắm các con tàu của ông. Sáng ngày 21 tháng 6, Hạm đội Anh rời Scapa Flow tiến hành các cuộc cơ động huấn luyện, Reuter nhân cơ hội ấy truyền đạt mệnh lệnh đánh đắm hạm đội lúc 11 giờ 20 phút.[39]

Trong số bốn chiếc trong lớp, Kronprinz là chiếc bị đắm đầu tiên tại Scapa Flow lúc 13 giờ 15 phút. Grosser Kurfürst nối gót 15 phút sau đó lúc 13 giờ 30 phút. König chìm lúc khoảng 14 giờ 00, nhưng Markgraf chỉ chìm lúc 16 giờ 45 phút; nó là một trong những tàu chiến chủ lực bị chìm sau cùng; chỉ trước chiếc tàu chiến-tuần dương Hindenburg bị chìm sau đó lúc 17 giờ 00.[40] Grosser Kurfürst được cho nổi trở lại vào ngày 29 tháng 4 năm 1938; nó được cho kéo đến Rosyth để tháo dỡ. Ba con tàu còn lại hiện vẫn còn nằm dưới đáy biển, mặc dù xác tàu đã được bán cho Anh vào năm 1962.[5]